Nguyệt Hoàng
Nguyệt hiện là Thạc Sĩ ngành tâm lý tại trường Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn. Nguyệt đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu cũng như tìm hiểu sâu về các bệnh tâm lý, tâm lý hành vi,...
Sự phát triển chóng mặt của xã hội đang khiến cho giới trẻ ngày nay phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần. Việc phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau cùng với những yếu tố tiêu cực từ môi trường sống là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các rối loạn tâm lý, tâm thần. Những bệnh lý thường gặp có thể kể đến là rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, rối loạn khí sắc và cảm xúc, tâm thần phân liệt…
Tuy nhiên, số người đi khám và điều trị các bệnh rối loạn tâm thần chưa cao do hầu hết mọi người chưa hiểu đúng về nhóm bệnh này. Việc không được hỗ trợ y tế kịp thời và đúng cách có thể khiến cho bệnh càng thêm trầm trọng và gây nhiều tác hại cho cả người bệnh cũng như gia đình. Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về rối loạn cảm xúc nhằm nhận biết, phòng ngừa và điều trị bệnh này một cách đúng đắn.
Rối loạn cảm xúc là khái niệm thường được sử dụng thay cho thuật ngữ “rối loạn khí sắc” trong tâm thần học. Cảm xúc (khí sắc) của con người thường thay đổi liên tục, lên xuống theo sự ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý bên trong và môi trường bên ngoài. Tuy nhiên, khi các cảm xúc đó vượt ra khỏi giới hạn ổn định và không kiểm soát được sẽ trở nên vui quá mức (hưng cảm) hoặc buồn quá mức (trầm cảm).
Từ đó sinh ra hai dạng bệnh lý thường gặp là rối loạn trầm cảm đơn thuần và rối loạn lưỡng cực (trầm cảm xen kẽ với hưng cảm). Chứng bệnh này thường gặp phổ biến ở thanh thiếu niên, đặc biệt là nhóm người 18 đến 30 tuổi. Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 5% dân số thế giới mắc phải chứng rối loạn cảm xúc.
Các triệu chứng và dấu hiệu để nhận biết rối loạn cảm xúc phụ thuộc vào loại rối loạn và tình trạng cụ thể của mỗi người.
Người mắc chứng trầm cảm có các trạng thái cảm xúc bị trầm trọng quá mức, biểu hiện bởi các triệu chứng dưới đây:
Ngoài ra còn có một số dấu hiệu bệnh lý trên cơ thể như đau dạ dày, đau đầu, nhức mỏi xương khớp… Nếu bạn có ít nhất 5 triệu chứng nêu trên và chúng kéo dài hơn 2 tuần thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là tình trạng các trạng thái cảm xúc thay đổi bất thường, các cơn trầm cảm và hưng cảm xen kẽ nhau. Người bệnh có thể phấn khích quá mức hoặc trầm uất quá mức mà không thể kiểm soát. Một cơn hưng cảm có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần với các biểu hiện thường thấy như sau:
Nguyên nhân gây ra các chứng rối loạn cảm xúc vẫn còn đang được khoa học nghiên cứu. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận định, chứng bệnh này phát sinh do sự kết hợp của yếu tố di truyền, yếu tố sinh học khác và lối sống, môi trường tác động.
Gen di truyền có vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh rối loạn cảm xúc. Nghiên cứu cho thấy con người có 10-15% nguy cơ bị trầm cảm và 15-20% nguy cơ bị hưng cảm nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh.
Sự rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể cũng là một yếu tố liên quan. Ví dụ như chất Dopamin có vai trò tạo cảm giác hưng phấn, hạnh phúc. Người bị trầm cảm có nồng độ Dopamin thấp hơn bình thường còn người bị hưng cảm có nồng độ Dopamin cao hơn bình thường. Ngoài ra, chất Serotonin và Noradrenalin ở người bị rối loạn cảm xúc cũng giảm rõ rệt so với người khỏe mạnh.
Rối loạn nội tiết (hoocmon) trong cơ thể cũng có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc. Hai loại hoocmon có liên quan đến chứng bệnh này là hoocmon tuyến thượng thận và hoocmon tuyến giáp. Do đó, những người bị cường cận giáp, suy giáp cũng thường bị thay đổi cảm xúc bất thường.
Trường hợp não bị chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chứng rối loạn cảm xúc do hệ thống dẫn truyền thần kinh bị tổn thương.
Rối loạn cảm xúc cũng như các dạng bệnh tâm thần khác đều có tính chất nguy hiểm với con người. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh sẽ tăng dần mức độ và gây ra nhiều biến chứng như suy giảm các chức năng của cơ thể, bệnh nhân tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình.
Chính vì vậy, bệnh nhân mắc chứng rối loạn cảm xúc cần được đưa đến các cơ sở chuyên môn như phòng khám tâm lý hoặc chuyên khoa tâm thần ở các bệnh viện để được chẩn đoán và và điều trị.
Các bác sĩ sẽ thực hiện việc chẩn đoán thông qua các bước: khám sức khỏe, xét nghiệm sàng lọc, đánh giá tâm thần bằng các bảng đánh giá như ICD-10 hoặc DSM-5…
Phương pháp điều trị thường gặp nhất là trị liệu tâm lý. Liệu pháp này có thể hiệu quả với những người bệnh do nhận thức sai lệch, chịu áp lực quá độ từ môi trường sống và các mối quan hệ, có lối sống thiếu lành mạnh. Nhà trị liệu tâm lý có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các rối loạn cảm xúc ở mức độ nhẹ bằng cách tháo gỡ những vấn đề trong tâm lý và tiềm thức.
Đối với các ca rối loạn cảm xúc mức độ nặng thì được điều trị bằng thuốc uống do bác sĩ kê đơn. Trong quá trình điều trị, người bệnh và người thân cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt không được tự ý ngưng uống thuốc, thay đổi liều lượng và cách uống thuốc nếu không sẽ gây nguy hại đến sức khỏe.
Đối với một số trường hợp thuốc không đạt hiệu quả vì nhiều nguyên nhân, liệu pháp sốc điện (ECT) có thể được sử dụng. Cụ thể là đưa các dòng điện nhỏ truyền qua não để tạo ra các cơn co giật ngắn nhằm thay đổi các chất hóa học trong não.
Nghiên cứu cho thấy liệu pháp này cải thiện đến 80% các triệu chứng của rối loạn cảm xúc và tác dụng nhanh hơn so với sử dụng thuốc. Tuy nhiên, sốc điện cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như làm suy giảm trí nhớ. Vì vậy, việc chỉ định liệu pháp sốc điện phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, cơ sở điều trị và kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa.
Như ở trên đã nói, lối sống cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến các bệnh về rối loạn cảm xúc. Do đó, việc xây dựng một lối sống lành mạnh chính là một biện pháp phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị đối với người bị rối loạn cảm xúc. Theo đó, chúng ta cần duy trì một lối sống với các yếu tố như sau:
Rối loạn cảm xúc và chứng bệnh phức tạo và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của mọi người. Tuy nhiên, nếu được thăm khám và điều trị sớm, người bệnh hoàn toàn có thể được chữa khỏi và trở lại với cuộc sống khỏe mạnh bình thường.
Vì vậy, người bị rối loạn cảm xúc rất cần nhận được sự quan tâm của người thân và sự hỗ trợ kịp thời từ các bác sĩ. Thực hiện lối sống lành mạnh kết hợp với tuân thủ liệu pháp trị liệu từ bác sĩ sẽ giúp người bệnh vượt qua được căn bệnh này.