Nguyệt Hoàng
Nguyệt hiện là Thạc Sĩ ngành tâm lý tại trường Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn. Nguyệt đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu cũng như tìm hiểu sâu về các bệnh tâm lý, tâm lý hành vi,...
Rối loạn ngôn ngữ là một trong những rối loạn liên quan đến hệ thống thần kinh trong vùng não bộ có chức năng xử lý ngôn ngữ. Người mắc chứng rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong giao tiếp, biểu đạt, tiếp thu lời nói từ mọi người cũng như thể hiện suy nghĩ của mình ra bên ngoài và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày.
Não bộ và ngôn ngữ luôn có sự liên quan mật thiết với nhau, não bộ được lập trình sẵn về mặt di truyền và dần phát triển khi con người trưởng thành. Song song với sự phát triển của não bộ là những kích thích, tác động từ môi trường bên ngoài như hệ thống ngôn ngữ, học tập, nền văn hoá, những trải nghiệm, hành vi ứng xử,… bổ sung thêm cho sự phát triển các chức năng của não.
Sự phát triển của ngôn ngữ gắn liền với hệ thống thần kinh và hoạt động theo chu trình bắt đầu từ sự nghe – đường vào chính của ngôn ngữ truyền đến hệ thống thần kinh trung ương, các trung tâm vận động, cảm thụ ngôn ngữ được hình thành trong quá trình phát triển của vỏ não và đưa đến bộ máy phát âm, cơ quan thực hiện ngôn ngữ.
Vì vậy, ngôn ngữ được xem là phương thức thể hiện suy nghĩ của con người với những tác động của môi trường xung quanh, khi một trong các yếu tố tham gia vào chu trình hình thành ngôn ngữ bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn về phát triển ngôn ngữ của con người.
Hay nói cách khác, rối loạn ngôn ngữ là những rối loạn tại vùng não bộ có chức năng xử lý ngôn ngữ, làm cho việc xử lý và tiếp nhận thông tin ngôn ngữ bị suy giảm. Dẫn đến khó khăn trong quá trình giao tiếp cũng như việc hiểu và biểu đạt bằng lời nói.
Những đối tượng bị rối loạn ngôn ngữ thường gặp phải các vấn đề liên quan đến biểu đạt ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, việc hiểu ngữ pháp, ngữ nghĩa hoặc bất cứ khía cạnh nào khác của ngôn ngữ.
Rối loạn ngôn ngữ xảy ra ở hai nhóm đối tượng đó là trẻ em và người trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng thường xảy ra rối loạn ngôn ngữ hơn so với người trưởng thành.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em có trí tuệ tốt thường có sự phát triển ngôn ngữ rất nhanh trong quá trình học tập ngôn ngữ và phụ thuộc theo từng độ tuổi, giai đoạn nhất định. Chứng bệnh thường xảy ra đối với trẻ dưới 5 tuổi và có khoảng 3 – 5% trẻ em có rối loạn về tiếp thu, bày tỏ ngôn ngữ hoặc cả hai.
Rối loạn ngôn ngữ ở người trưởng thành mà xuất phát từ rối loạn ở hệ thần kinh não bộ trong quá trình phát triển thường xảy ra ít hơn, chủ yếu là các trường hợp khi bệnh nhân mắc bệnh từ nhỏ nhưng không được chữa khỏi bệnh hoặc do di truyền.
Phần lớn rối loạn ngôn ngữ ở người trưởng thành do gặp phải các bệnh lý nặng hoặc bị chấn thương vùng não bộ. Những biểu hiện rối loạn ngôn ngữ ở người trưởng thành thường gặp phải như sau:
Người mắc rối loạn vận ngôn thường do di chứng sau tai biến mạch máu não hoặc các chấn thương ở vùng não bộ như chấn thương sọ não, liệt não,… làm ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động ở cơ miệng, mắt, thanh quản hoặc hệ thống hô hấp suy yếu. Bệnh nhân vẫn có thể hiểu được những lời nói thông thường, tuy nhiên lại gặp khó khăn khi nói hoặc phát âm.
Người mắc rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận thường sẽ không thể tiếp thu hoặc không hiểu được những thông tin từ người khác qua lời nói, mất hoàn toàn khả năng tiếp nhận ngôn ngữ. Họ thường sẽ gặp khó khăn trong việc đọc chữ và hiểu ngữ nghĩa, tuy nhiên vẫn có thể biểu đạt được những suy nghĩ, mong muốn bên trong của bản thân.
Người bị rối loạn ngôn ngữ biểu cảm thường có vấn đề trong cách nói chuyện, diễn đạt lời nói, cảm thấy khó khăn trong việc chọn lọc từ ngữ để giao tiếp và thường phải suy nghĩ lâu để đưa ra những câu nói đơn giản. Tuy nhiên, họ vẫn có thể hiểu, tiếp nhận ngôn ngữ và nói chuyện được với mọi người xung quanh.
Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn ngôn ngữ vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên, phần lớn người mắc chứng rối loạn ngôn ngữ đều do sự ảnh hưởng từ các yếu tố như di truyền, những khiếm khuyết về hệ thống chức năng ngôn ngữ của não bộ, tổn thương não bộ, bệnh lý nặng hoặc khó tiếp thu ngôn ngữ thường đi kèm với những khuyết tật phát triển như bệnh tự kỷ, trầm cảm,…
Đây được xem là nguyên nhân gián tiếp hàng đầu dẫn đến việc rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh tai biến mạch máu não thường dễ để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời, do quá trình cung cấp máu cho não bộ bị ngưng đột ngột gây rối loạn chức năng của các vùng não, gây tổn thương cho vùng điều khiển ngôn ngữ và dẫn đến rối loạn trong việc phát âm, vận động cơ mặt, hoặc không thể nói được.
Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương não bộ như chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bạo lực, hoặc bị va đập mạnh tại vùng đầu.
Tất cả những tác động bên ngoài đó làm tổn thương lên vùng sọ não, làm đứt dây thần kinh và để lại di chứng trong đó có di chứng rối loạn ngôn ngữ khi dây thần kinh tại vùng điều khiển ngôn ngữ bị tổn thương. Lúc này người bệnh gặp các khó khăn trong giao tiếp, kết nối với mọi người xung quanh hay hòa nhập với cộng đồng.
Các bệnh lý não bộ khác hoặc do di truyền: Các bệnh lý não bộ khác như bị viêm não, viêm màng não, u não, hoặc bị rối loạn tâm lý mà không được cấp cứu và chữa trị kịp thời cũng có thể để lại di chứng não.
Phương pháp tốt nhất để điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ nhỏ là cha mẹ phải phát hiện sớm những biểu hiện về ngôn ngữ, giao tiếp ở trẻ khi đến độ tuổi phát triển ngôn ngữ để kịp thời chữa trị.
Cha mẹ nên tiếp xúc, nói chuyện thường xuyên với trẻ bằng cách bắt đầu giao tiếp trực tiếp với trẻ từ khi mới sinh ra, đáp lại những tiếng bập bẹ, ú ớ của trẻ. Kiên nhẫn lắng nghe và dành thời gian đặt câu hỏi, mở rộng lời nói hoặc đọc tên những đồ vật, hành động, cử chỉ khi chơi cùng với trẻ. Hạn chế cho trẻ từ 0 – 3 tuổi tiếp xúc với các thiết bị điện tử vì đây là giai đoạn trẻ em bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ.
Đọc sách nhằm trao đổi nội dung nhân vật trong câu chuyện với trẻ, mô tả tranh ảnh bằng cách in các hình ảnh màu và cho trẻ mô tả chi tiết, gọi tên đồ vật hoặc hát cho trẻ nghe. Cho trẻ tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa hoặc liệt kê danh mục các từ cùng chủ đề và hướng dẫn trẻ liệt kê theo các chủ đề chính đó.
Các chuyên gia, Bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp trị liệu bằng ngôn ngữ, tùy thuộc vào mức độ của bệnh, sau đó áp dụng các bài tập để cải thiện giọng nói, tập thở, giao tiếp,…
Tinh thần của người bị các di chứng từ bệnh lý trước để lại là rất nguy hiểm, do đó người nhà phải thường xuyên động viên, chia sẻ, trò chuyện với người bệnh, giúp họ cảm thấy bản thân còn có thể giao tiếp được và quan trọng không được tạo tâm lý cho người bệnh cảm thấy cần được chăm sóc.
Việc tập luyện phục hồi có hiệu quả nhất trong vòng 6 tháng kể từ khi bệnh khởi phát. Người bệnh thường sẽ được hướng dẫn chơi các trò chơi giúp tăng khả năng ngôn ngữ như tập nói, tập gọi tên các đồ vật xung quanh hoặc các bài tập giãn cơ mặt đồng thời kết hợp với các bài tập vận động tay chân để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Trên đây là các chia sẻ của bác sĩ tâm lý về nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em và người lớn. Nếu thấy mình, bạn bè hoặc người thân có các triệu chứng kể trên thì hãy liên hệ ngay với đội ngũ bác sĩ/chuyên gia tâm lý của chúng tôi để được tư vấn kịp thời.