Tuyết Tính
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết tốt nghiệp Khoa Tâm lý ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội. Có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn/ tham vấn về tâm lý và đào tạo kỹ năng mềm cho cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức.
Nếu bạn thường xuyên sợ hãi quá mức trong các tình huống giao tiếp, đó có thể là dấu hiệu của hội chứng sợ xã hội, hay còn gọi là ám ảnh sợ xã hội, hoặc rối loạn lo âu xã hội. Đây là một dạng bệnh trong nhóm bệnh về rối loạn lo âu, xảy ra phổ biến ở lứa tuổi thiếu niên và thanh niên.
Việc thống kê tỉ lệ người mắc hội chứng sợ xã hội thực tế gặp nhiều khó khăn. Do có nhiều người không tìm đến cơ sở chuyên môn để được giúp đỡ nên ban đầu tỉ lệ thống kê bệnh này khá nhỏ. Ngoài ra, vì các tiêu chuẩn chẩn đoán ám ảnh sợ xã hội có nhiều điểm chung với các rối loạn khác nên dễ xảy ra nhầm lẫn và làm cho kết quả thống kê không thật sự thể hiện thực tế khách quan.
Hội chứng sợ xã hội là một khái niệm để chỉ về tình trạng lo âu và sợ hãi quá mức đối với việc giao tiếp xã hội hoặc sợ bị mất mặt, xấu hổ trong các tình huống hàng ngày. Người mắc chứng sợ xã hội thường tìm mọi cách để tránh tương tác, tiếp xúc với bất kỳ ai. Nếu bị bắt buộc phải giao tiếp, họ thường dễ bị bối rối, kích động, lo âu, thậm chí là hoảng loạn.
Người bệnh luôn bị ám ảnh bởi việc bị người khác nhìn thấy, phê bình, chê cười và luôn lo sợ mình sẽ rơi vào tình huống nào đó xấu hổ, mất mặt. Hội chứng này có thể nghiêm trọng đến mức gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, chuyện học hành và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người mắc phải.
Một số tình huống mà người bị ám ảnh xã hội thường sợ hãi và tránh né:
Nỗi sợ của những người mắc phải hội chứng này thường biểu hiện qua các dấu hiệu thể chất như hồi hộp, khó thở, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, đỏ mặt, buồn nôn, đau dạ dày, run rẩy, tránh giao tiếp bằng mắt… Khi nói chuyện, họ thường bị giảm khả năng diễn đạt và khó bình tĩnh để tập trung suy nghĩ.
Sự lo âu, bối rối là tâm trạng vô cùng phổ biến ở con người, ai cũng có lúc gặp phải. Việc bất an khi sắp gặp người lạ hay phát biểu trước đám đông là điều bình thường và dễ hiểu. Tuy nhiên, người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội lại xuất hiện tình trạng lo âu đến mức bất bình thường và trong một thời gian dài trước khi sự kiện giao tiếp diễn ra.
Ám ảnh sợ xã hội thường xuất hiện ở lứa tuổi từ thiếu niên đến thanh niên. Bác sĩ có thể chẩn đoán một người mắc hội chứng này nếu người đó xuất hiện các triệu chứng đặc trưng trong vòng ít nhất 6 tháng. Nếu không được điều trị, ám ảnh sợ xã hội có thể kéo dài đến mãn tính, gây ra nhiều tác hại cho đời sống và sức khỏe người bệnh.
Thứ nhất là liệu pháp tâm lý, cụ thể là liệu pháp nhận thức – hành vi. Đây là biện pháp tác động để người bệnh điều chỉnh những nhận thức sai lệch của mình, kiểm soát suy nghĩ để vượt qua nỗi sợ hãi. Bác sĩ sẽ đưa ra các bải tập để người bệnh sẽ tập làm quen, tiếp xúc, đối mặt mới những gì họ lo sợ và né tránh cho đến khi sự lo âu của họ dần dần giảm bớt.
Liệu pháp này cũng có có thể được tiến hành theo nhóm, tập trung những người có cùng những vấn đề chung. Những người bệnh hiểu rõ bệnh của nhau nên có thể giúp đỡ nhau tăng hiệu quả điều trị. Các chương trình rèn luyện kỹ năng xã hội cũng có ích cho người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội.
Thứ hai là liệu pháp chữa trị bằng thuốc cũng đóng vai trò quan trọng. Các loại thuốc chống trầm cảm như SSRI được đánh giá là hiệu quả và không cản trở liệu pháp hành vi – nhận thức.
Yếu tố quan trọng trong quá trình chữa trị hội chứng sợ xã hội là phải kiên nhẫn là linh hoạt áp dụng biện pháp phù hợp với từng người. Không có một quy trình tiêu chuẩn nào là phù hợp cho tất cả người bệnh. Bác sĩ và bệnh nhân cần phải trao đổi kỹ lưỡng, lập kế hoạch điều trị phù hợp và liên tục đánh giá từng lộ trình để có điều chỉnh kịp thời.
Có thể nói, mật độ dân số càng ngày càng đông đúc nhưng tỉ lệ người có xu hướng hoạt động một mình cũng càng ngày càng tăng vì xã hội hiện đại gây ra cho họ rất nhiều lo âu căng thẳng. Hội chứng sợ xã hội là một rối loạn phổ biến trong bối cảnh như vậy.
Chúng ta cần hiểu đúng về những chứng rối loạn lo âu này để giúp bản thân và gia đình giữ gìn một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Nếu bạn thấy mình mắc một trong số những dấu hiệu trên thì hãy liên hệ với đội ngũ bác sĩ/chuyên gia tâm lý của chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ và điều trị kịp thời.